Showing posts with label GiaDinh. Show all posts
Showing posts with label GiaDinh. Show all posts

Sunday, November 23, 2014

Vết sẹo trên khuôn mặt mẹ

Posted by Tâm Kim at 11:52 PM 0 Comments
Sự hy sinh của mẹ dành cho con chưa bao giờ đi kèm 2 chữ "hối hận"

>> Bó Hoa Tặng Mẹ
>> Cứ Nhắm Mắt Khi Nào Con Muốn
>> Cha Mẹ - Huyết Mạch Của Sự Yêu Thương



Một cậu bé mời mẹ tham dự buổi họp phụ huynh đầu tiên ở trường tiểu học. Điều cậu bé sợ đã thành sự thật, mẹ cậu bé nhận lời. Đây là lần đầu tiên bạn bè và giáo viên chủ nhiệm gặp mẹ cậu bé và cậu rất xấu hổ về vẻ bề ngoài của mẹ mình. Mặc dù cũng là một người phụ nữ đẹp, có một vết sẹo lớn che gần toàn bộ mặt bên phải của cô. Cậu bé không bao giờ muốn hỏi mẹ mình tại sao bị vết sẹo lớn vậy.Vào buổi họp mặt, mọi người có ấn tượng rất đẹp về sự dịu dàng và vẻ đẹp tự nhiên của người mẹ mặc cho vết sẹo đập vào mắt, nhưng cậu bé vẫn xấu hổ và giấu mình vào một góc tránh mặt mọi người. Ở đó, cậu bé nghe được mẹ mình nói chuyện với cô giáo.

"Làm sao chị bị vết sẹo như vậy trên mặt?" Cô giáo của cậu hỏi.

Người mẹ trả lời, "Khi con tôi còn bé, nó đang ở trong phòng thì lửa bốc lên.

Mọi người đều sợ không dám vào vì ngọn lửa đã bốc lên quá cao, và thế là tôi chạy vào. Khi tôi chạy đến chỗ nó, tôi thấy một xà nhà đang rơi xuống người nó và tôi vội vàng lấy mình che cho nó. Tôi bị đánh đến ngất xỉu nhưng thật là may mắn là có một anh lính cứu hỏa đã vào và cứu cả hai mẹ con tôi." Người mẹ chạm vào vết sẹo nhăn nhúm trên mặt. "Vết sẹo này không chữa được nữa, nhưng cho tới ngày hôm nay, tôi chưa hề hối tiếc về điều mình đã làm."

Đến đây, cậu bé chạy ra khỏi chỗ nấp của mình về phía mẹ, nước mắt lưng tròng. Cậu bé ôm lấy mẹ mình và cảm nhận được sự hy sinh của mẹ dành cho mình. Cậu bé nắm chặt tay mẹ suốt cả ngày hôm đó.

Wednesday, October 29, 2014

Bó hoa tặng mẹ

Posted by Tâm Kim at 6:03 AM 0 Comments
Đã bao giờ bạn thấy sự vô tâm của mình...tới chính những người thân nhất với mình



Một anh chàng làm giám đốc ở một công ty lớn. Đến sinh nhật mẹ, anh ta ra tiệm hoa lớn. Vừa bước xuống xe, anh thấy 1 em bé đứng bên góc đường khóc. Anh lại gần đứa bé và nói :

- Cháu làm sao vậy? Cháu hãy nói cho chú biết, có thể chú giúp được.

Cô bé nói :

- Hôm nay là sinh nhật của mẹ cháu. Cháu chỉ có 5000đồng, không đủ tiền để mua hoa tặng mẹ.

Chàng nói :

- Để chú mua cho cháu. Cháu lựa bông hoa đẹp nhất mà tặng mẹ.

Cô bé chọn bông hoa đẹp nhất và cảm ơn anh ta. Còn chàng trai thì nói với người bán hoa:

- Gói cho tôi 1 bó hoa co một trăm cây hồng trong cái đó rồi gửi theo địa chỉ này.

Anh ta quay sang cô bé và nói:

Chú chở cháu về nhà nhé, được không?

Vừa được mua hoa, vừa được đi xe, cô bé vui vẻ lên xe và cảm ơn. Cô bé chỉ vô cái đường đến nghĩa trang. Cô bé nói:

- Gần đến nhà cháu rồi.

Đến nơi, cô bé xuống xe và đến gần 1 ngôi mộ chưa kịp mọc cỏ và đặt bông hoa hồng, nói:

- Con chúc mừng sinh nhật mẹ.

Anh ta hoảng hốt hỏi:

- Sao cháu lại đến đây? Nhà của cháu đâu?

Cô bé thản thiên nói :

- Mẹ cháu mất nên ngôi mộ này cũng là nhà của cháu.

Khi nghe cô be nói, anh ta liền nhớ tới mẹ, lên xe và chạy đến tiệm hoa, hỏi:

- Cái bó hoa kia gửi chưa?

Cô gái nói là chưa gửi. Anh ta lấy lại bó hoa đó rồi chạy xe về nhà mẹ. Khi đến nhà, anh gõ cửa và nói thầm:

- Con chúc mừng sinh nhật mẹ! Con yêu mẹ lắm!

Cánh cửa vừa mở, anh vui mừng chạy vào nhà. Nhưng tìm mãi chẳng thấy mẹ đâu, anh ta ân hận quỳ trước chiếc giường mà mẹ đã ngồi mỏi mắt chờ mong đứa con thân yêu về. Anh ta vội vã đi hỏi thăm những người thân với mẹ nhất thì mới biết mẹ đã qua đời. Người hàng xóm đưa cho anh lá thư bà viết trước khi mất :

- Con thân yêu của mẹ!

Từ khi công ty của con được thành lập, mẹ cảm thấy con dành thời gian cho công việc thì nhiều , còn cho gia đình thì ít nên con không biết mẹ bị bệnh tim. Mẹ mong con sẽ dành nhiều thời gian hơn cho gia đình của mình. Khi mẹ mất, con nhớ giữ gìn sức khỏe và biết quan tâm , giúp đỡ mọi người. Nếu được như vậy thì mẹ ở dưới suối vàng cũng yên tâm hơn.

Khi chúng ta lớn lên, chúng ta phải phụ dưỡng cho cha mẹ khi cha mẹ về nhà. Như vậy, chúng ta mới làm ba mẹ vui lòng và ba mẹ sẽ không bị buồn khi về già..

Saturday, October 25, 2014

Cứ nhắm mắt khi nào con muốn

Posted by Unknown at 5:35 PM 0 Comments
Hãy nhắm mắt lại, rồi con sẽ thấy con đã lớn thật rồi. Giờ đây con đã biết khóc vì một người ngoài không phải là máu mủ ruột rà với con. Tim con biết đau, rồi co lại vì những thứ không thể định lí. Và đến một thời điểm thích hợp con sẽ nhận ra rằng, nước mắt của con quí giá biết bao.

Nhắm mắt lại rồi con sẽ thấy...
Chỉ là... đơn giản đôi khi giữa cái bộn bề của cuộc sống này, cũng cần dành một khoảng thời gian khép đôi mi lại để chúng ta thực sự biết chúng ta cần làm gì, muốn điều chi..


.
Con à... nếu một ngày con cảm thấy mệt mõi thì hãy thử nhắm mắt lại đi...

Con hãy thử tưởng tượng mình đang nằm trên cánh đồng xanh bao la, với mùi hương của cỏ, những giọt sương vẫn còn vẹn nguyên trên lá. Màu xanh là màu của hi vọng, hãy thử nghĩ xem giữa biển cỏ xanh rờn bạt ngàn ấy, con hãy mặc sức mà hi vọng cuộc đời con cũng sẽ toàn màu xanh như thế. Tâm hồn con sẽ tự thấy thanh thản hơn, tự thấy áp lực dường như chưa bao giờ có. Đơn giản giống như khi chúng ta đi, cũng sẽ có lúc cảm thấy mệt mà dừng chân lại. Làm việc cũng có giờ nghỉ giải lao giữa buổi. Học hành còn có giờ ra chơi. Vậy thì cuộc đời vốn là một chặng đường dài, nên con đừng cảm thấy nản lòng với bất kì điều gì con nhé. Sẽ còn có nhiều cái mỏi mệt trong đời mà con phải trải qua, hãy coi đó là lúc để con được nghỉ ngơi. Mỗi khi như thế, con chỉ cần nhắm mắt lại...

Con à... nếu bỗng nhiên con trở nên yếu đuối thì hãy thử nhắm mắt lại xem...

Con hãy thử nghĩ mà xem, trên trái đất này đâu đó trong cái vòng tròn to lớn ấy, vẫn có rất nhiều người với những mảnh đời còn đáng thương hơn con hiện giờ. Nhiều nơi trên thế giới nói chung cũng như Việt Nam ta nói riêng, khi những hậu quả của thiên tai để lại thì lúc đó với họ dường như cuộc sống chỉ còn là số 0 tròn trĩnh.

Chẳng cần phải ví von đâu xa xôi, hãy thử nghĩ lại xem đôi lúc trên đường đời chẳng phải con vẫn bất chợt nhìn thấy những con người đầy bất hạnh đó sao. Vẫn là tận mắt chứng kiến những nỗi thống khổ của người ta đó hay sao, vậy con có hiểu vì sao họ vẫn cứ phải sống mặc dù đối với chúng ta nơi đó là hố đen đầy tăm tối. Vì sự yếu đuối không cho phép được xuất hiện trong suy nghĩ của những con người ấy. Bằng cách này hay cách khác, họ cũng phải cố bươn chải cho cái gọi là sinh tồn, nếu không muốn bị gục ngã hoàn toàn. Hãy nhắm mắt và thử nghĩ lại con nhé!

Này đứa con bé bỏng... nếu một ngày nào đó con cảm thấy tâm hồn trở nên trống rỗng vì những hỉ nộ ái ố của con người mang lại, thì hãy nhắm mắt lại con nhé!

Hãy để những giọt nước mắt tự do mà rơi rớt, hãy để tất cả những muộn phiền được thoát hết ra thay vì con cố đè nén lại. Hãy cứ khóc đi con nhé! Nhưng hãy nhớ gia đình luôn là chỗ dựa vững chắc nhất đời con, bạn bè luôn là nơi tốt nhất để con trút bầu tâm sự. Hãy nhắm mắt lại, rồi con sẽ thấy con đã lớn thật rồi. Giờ đây con đã biết khóc vì một người ngoài không phải là máu mủ ruột rà với con. Tim con biết đau, rồi co lại vì những thứ không thể định lí. Và đến một thời điểm thích hợp con sẽ nhận ra rằng, nước mắt của con quí giá biết bao. Vì ba mẹ đã ban cho con hình hài, nuôi nấng con trưởng thành, rồi vì một người quen thành lạ mà con làm ba mẹ cũng xót xa. Tình yêu thương của gia đình, sự quan tâm sẻ chia của bạn bè sẽ lại lấp đầy lỗ hổng ấy mà thôi. Hãy nhắm mắt lại rồi bình tâm suy nghĩ đứa con bé bỏng à!

Này đứa con còn thơ dại... ba mẹ dạy con khôn lớn nhưng cuộc đời dạy con cách trưởng thành. Thế nên nếu có một ngày con gục ngã... thì một lần nữa xin con, xin con hãy để đôi mi mình khép lại, rồi con sẽ cảm nhận được...

Giờ đây con sẽ thấy được gì? Có chăng là một khoảng không tăm tối đầy xám xịt quanh con? Màu xanh của cỏ, những con người bất hạnh hay là tình yêu thương của gia đình và bạn bè...tất cả cũng đều chỉ là hư ảo đối với con??? Giữa quá khứ và hiện tại con thấy mình thật bất lực với những gì đang hiện hữu. Dường như con vô hình giữa thế gian này, hay những thứ tồi tệ luôn lựa chọn con mà đến. Thế nên con chối từ tất cả, gia đình, bạn bè và ngay cả chính bản thân con.

Khi con nhắm lại đôi mắt đầy mơ hồ với cuộc sống này, con có biết sẽ còn rất nhiều đôi mắt khác cũng nhắm lại vì con. Họ nhắm lại vì sự thơ dại đầy nông nổi, họ nhắm lại vì nghĩ rằng rồi cũng sẽ có lúc tốt hơn nếu như con biết giá trị sống của con người lớn lao như thế nào. Còn ba mẹ, con có biết nỗi đau sẽ còn gấp trăm ngàn lần so với những gì con đang cảm nhận. Nếu nước mắt có thể xóa sạch đi những khoảng tối màu đầy ma mị trong tâm trí con thì có lẽ ba mẹ cũng sẽ để nó chảy đến cạn khô.

Tại sao lại có cái gọi là hôm qua, hôm nay và ngày mai con biết không?! Chỉ là để thay cách gọi cho một trường hợp khác là quá khứ, hiện tại và tương lai. Vậy nên con người khi sinh ra là đã có ba cơ hội cho cuộc đời của mình rồi. Quá khứ của hôm qua con đã sai lầm, hiện tại của hôm nay con vẫn chưa thể sửa chữa, vậy thì con hãy nhớ vẫn còn một cơ hội cuối để con làm lại từ đầu. Ngày mai của tương lai, hãy nghĩ đến rồi mở mắt ra mà đi tiếp con nhé!

Con hãy thử nghĩ mà xem, đời người trải qua bốn giai đoạn sinh, lão, bệnh, tử nhưng cũng có những trường hợp chỉ có thể sinh rồi bệnh và tử mà chưa kịp được hưởng cái gọi là lão. Vì con sẽ không biết được rằng để được trải qua đầy đủ bốn qui luật của cuộc sống này, con người phải đấu tranh như thế nào đâu. Nếu còn cơ hội thì con đừng để lãng phí điều ấy, khi con không thể san sẻ lại cho bất kì ai thèm muốn được như con....

Chỉ là... đơn giản đôi khi giữa cái bộn bề của cuộc sống này, cũng cần dành một khoảng thời gian khép đôi mi lại để chúng ta thực sự biết chúng ta cần làm gì, muốn điều chi...

Thursday, October 23, 2014

Cha mẹ - huyết mạch của sự yêu thương

Posted by Tâm Kim at 7:57 PM 0 Comments
Khi chúng ta còn non trẻ, còn ấu thơ, tâm hồn của chúng ta trong trắng lắm, cha mẹ đã tập cho chúng ta từng tiếng nói đầu đời, cha mẹ hun đúc cho chúng ta bước vào đời một cách tự tin, vững chãi. Không những lo cho chúng ta việc ăn ở mà còn lo cho chúng ta về đạo đức. Không những lo cho chúng về đạo đức mà còn lo cho chúng ta có kiến thức để bước vào đời và trở thành một người sống có ích cho xã hội.

Trong nền văn hóa dân tộc Việt Nam, đạo hiếu làm con là di sản văn hóa tinh thần vô giá, di sản này truyền thừa từ thời mới lập quốc, đến khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam, thì đạo đức dân tộc hòa chung với đạo đức Phật giáo như nước và sữa.


Bản chất của người Việt Nam là yêu chuộng hiếu đạo, mà giáo lý của Phật giáo là giải thoát, vì vậy hai luồng tư tưởng gặp nhau đã làm thăng hoa giá trị văn hóa tinh thần của người dân Việt. Làm người ai cũng có cha và mẹ, hai đấng sinh thành dưỡng dục ta nên người, cho ta thân thể hình hài này, cho ta đạo đức làm người, cho ta biết yêu thương và chia sẻ.

Tại sao nói cha mẹ là nguồn mạch của yêu thương? Có thể nói, bốn sự yêu thương tạo nên tình thương thực sự để chúng ta bước vào cuộc đời, sự cảm nhận trước tiên của chúng ta là cha và mẹ. Nhất là khi mới chào đời, chúng ta nằm trong vòng tay êm ấm của mẹ, nhận được sự chắt chiu nuôi nấng của mẹ.

Cha thương con thì không như mẹ, hai thái cực khác nhau nhưng có chung một tình thương vô bờ. Cha thương con thường chúng ta ít nhận ra. Tình thương của người cha nghiêm nghị và khô khan, đó là bản chất nam tính của người đàn ông, không mềm mại, không nhu mì nên chúng ta ít cảm nhận như tình thương của người mẹ. Vì không cảm nhận được mà đôi khi chúng ta cho là không có tình cảm, nhưng kỳ thật tình thương của người cha cũng không thua kém gì tình thương của mẹ.

Tình yêu thương của người mẹ hun đúc chúng ta khi mới chào đời. Rõ nét, đậm tình, nên chúng ta thấy tình cảm của người mẹ ngọt ngào, nhẹ nhàng, êm ái, giống như ánh trăng rằm. Còn tình thương của cha gay gắt giống như ánh sáng mặt trời. Cổ nhân nói “Cha như mặt trời, mẹ nhưmặt trăng” là vậy.

Chúng ta hãy quán sát xem trên thế gian này chỉ có mặt trăng mà không có mặt trời thì chúng ta sống có được không? Còn nếu như chỉ có mặt trời thôi, mà không có mặt trăng thì sống được, nhưng hình như nó mất đi cái thi vị hóa của cuộc sống. Bởi trăng về đêm, nhất là trăng hạ huyền làm cho cuộc sống này như bồng lai tiên cảnh. Và, đêm có trăng thật dịu hiền, mát mẽ, ngồi ở sân nhà trong đêm trăng có gió mát, chúng ta sẽ cảm nhận hết cái nhẹ nhàng, thanh thoát, đầm ấm của đêm trăng như thế nào, thì tình mẹ cũng như thế đó.

Nhưng ở đây, phải nói là chúng ta nhận tình yêu thương của cha mẹ đầu tiên, rồi chúng ta phải đáp lại tình yêu thương đó đối với cha mẹ cũng phải rất chân thành. Có như vậy chúng ta mới nói được tiếng nói yêu thương, để chúng ta trang trải lòng từ bi vào cuộc sống này đối với tất cả mọi người có tương quan, tương sinh với mình.

Trước tiên chúng ta phải nghĩ, phải thương, phải đền đáp ơn sinh thành của cha mẹ, sự chân thành đó chớm nở làm nền tảng căn bản để chúng ta phát huy đạo đức vào trong lòng xã hội nhân sinh. Như vậy, tình yêu thương của chúng ta mới có nền tảng căn bản thực sự. Làm con mà không thương cha mẹ, lại thương người khác, thì tình thương đó chắc là không có thực tâm. Cha mẹ không thương mà lại đi thương người ngoài, thương đủ thứ người thì tình thương đó trở nên lãng đãng, mông lung rồi. Tình thương đó bị ô nhiễm, có tính toán và mưu đồ, và nghe có vẻ lợi dụng quá!

Vì vậy, muốn thực tập yêu thương thì chúng ta phải tập yêu thương cha mẹ trước, mà phải thương một cách thật tâm, thương một cách chân tình, không thể thương trên lý thuyết, hay chỉ nói thương trên miệng lưỡi, mà chúng ta phải thương bằng sự báo đáp ân tình, ân nghĩa thực sự ngay trong cuộc sống này. Hiếu không được chỉ hiểu trên mặt tri thức mà phải thể hiện ra bằng cái hạnh, cho nên mới gọi là hiếu hạnh. Hạnh hiếu có rồi thì chúng ta mới thể hiện sự hiếu dưỡng, tức là nuôi cha mẹ, lo cho cha mẹ từ vật chất đến tinh thần. Có như vậy, vào ngày này chúng ta mới có thể trở về nguồn mạch yêu thương đầu đời.

Khi chúng ta còn non trẻ, còn ấu thơ, tâm hồn của chúng ta trong trắng lắm, cha mẹ đã tập cho chúng ta từng tiếng nói đầu đời, cha mẹ hun đúc cho chúng ta bước vào đời một cách tự tin, vững chãi. Không những lo cho chúng ta việc ăn ở mà còn lo cho chúng ta về đạo đức. Không những lo cho chúng về đạo đức mà còn lo cho chúng ta có kiến thức để bước vào đời và trở thành một người sống có ích cho xã hội.

Vì vậy, ngày Rằm tháng Bảy Vu lan nghiễm nhiên trở thành lễ hội truyền thống của dân tộc ta và đã đi sâu vào mạch sống của người dân Việt từ xưa đến nay. Có thể nói, Lễ hội Vu lan mang đậm tính nhân văn sâu sắc, và ngày này được người ta gọi là ngày trở về nguồn. “Cây có cội, nước có nguồn”, cây có gốc bám sâu vào lòng đất thì cây đó mới phát triển to lớn được và ngọn ngành được vững vàng là do từ nơi gốc rễ. Còn nước, khi thấy nó chảy xuống suối, xuống sông, ra biển, thì mình phải biết rằng nó có nguồn mạch của nó, nó xuất phát từ nơi đầu nguồn.

Vậy cội và nguồn chính là gốc rễ yêu thương của cha mẹ, chúng ta phải biết yêu thương cha mẹ trước khi chúng ta nói yêu thương người khác, đó là căn bản làm người. Trong nhà Phật , vào Rằm tháng Bảy có bốn câu như thế này:

“Trung Nguyên ngày hội vọng Vu lan
Bến giác chiều thu sóng đạo ngàn
Hởi ai là kẻ mang ân nặng
Hãy vận lòng thành đón Vu lan”

Trung Nguyên Rằm tháng Bảy là ngày hội Vu lan của đạo Phật. Bến giác chiều thu, chúng ta có phải là người đang ở bến giác, hay là xa rời bến giác? Nếu ai xa rời bến giác thì người đó không phải là Phật tử. Phật tử tức là con của bậc giác ngộ. Chúng ta nhất định phải ở bến giác hay qua bờ giác, mà giác này là trung tâm của đạo Phật, cho nên gọi đạo Phật là đạo giác ngộ.

Vu lan là dịp những người con mang nặng ân tình, ân nghĩa sâu đậm của cha mẹ trở về chùa, vận hết tất cả lòng thành để đón mừng lễ hội này bằng một cái tâm chí thành, chí hiếu, chí kính đối với cha mẹ của mình. Cho nên cha mẹ mình còn sống thì đây là dịp may và phước lớn cho chúng ta trở về phụng thờ để lo đáp đền báo hiếu. Đức Phật đã dạy: “Gặp thời không có Phật, nếu ai biết phụng thờ cha mẹ tức là phụng thờ Phật”.

Như vậy rõ ràng cha mẹ ngang tầm với Phật rồi. Tại sao mình cứ phải chạy đầu này đầu kia, vái lạy, cầu khẩn Phật ban phước cho mình, quan tâm đến mình, tạo điều kiện tốt cho mình, mà trong nhà mình có hai vị Phật, đó là cha và mẹ mà mình lại không biết, chính mỗi chúng ta đều có Phật để tôn thờ, đó là cha và mẹ. Vu lan rằm tháng Bảy là ngày chúng ta trở về nguồn cội tổ tông, thi ân, báo ân cho trọn vẹn hiếu đạo làm người. Nếu như chúng ta không hiếu dưỡng cha mẹ thì không thể nào trở thành người Phật tử chân chánh được. Người xưa đã nói:

“Tu đâu cho bằng tu nhà,
Thờ Cha kính Mẹ mới là chân tu.”

Như vậy, không nhất thiết ai cũng phải cần xuất gia mới gọi là chân tu, nếu ở nhà hiếu dưỡng cha mẹ thì đã là chân tu rồi. Còn nếu ai xuất gia mà làm khổ cha mẹ nhiều, thì như vậy đâu phải là người con thật sự, đâu phải là người chân tu. Mong rằng trong lễ hội Vu lan năm nay, chúng ta biết quay trở về sống thật tâm, thật tốt đối với cha mẹ của mình thì ngày Vu lan mới có ý nghĩa thật sự.

Hiếu dưỡng cha mẹ không phải là một sự bắt buộc vô lý, xã hội loài người khác với xã hội loài vật. Con vật khi sanh con cái một thời gian sau khi con nó lớn lên nó không còn nhận ra con của mình nữa, và ngược lại con của nó cũng không còn nhận ra đâu là cha mẹ mình. Chỉ có loài người mới có cái tôn ti trật tự này, mới nghĩ đến việc báo hiếu cha mẹ.

Nếu như ai lớn lên, bất hiếu với cha mẹ thì bị mọi người lên án, đánh đập cha mẹ thì có thể vào tù, hoặc loạn luân với cha mẹ thì gọi là con vật chớ không phải là con người. Rõ ràng chỉ có xã hội loài người mới có đầy đủ trí khôn để lập nên trật tự của xã hội như vậy. Do đó, hiếu dưỡng cha mẹ không phải là do mình bịa đặt để làm khổ cho những người con, mà đây là cái lý đương nhiên mà trí khôn của loài người phải làm như vậy. Nếu làm trái đi thì người ta xem thường và phải chịu hậu quả không tốt về sau. Phật dạy :

Tột cùng điều thiện là hiếu
Tột cùng điều ác là bất hiếu

Như vậy, chúng ta hiếu dưỡng cha mẹ, nếu nói là điều thiện thì đây là điều thiện tối cao. Điều đó khẳng định rằng, khi hiếu dưỡng cha mẹ một đời, thì người đó về sau khi lâm chung sẽ sanh về cõi Chư Thiên để hưởng phước, còn ai không biết yêu thương phụng dưỡng cha mẹ thì khi chết sẽ bị đọa vào các cõi ác để chịu hình phạt. Ai biết thương yêu cha mẹ chân tình, thì chắc chắn người đó cũng biết đối xử tốt với tình làng, nghĩa xóm, bạn bè, bà con… Còn nếu mình sống tệ với cha mẹ, thì làm sao mình sống tốt với người khác được

Mỗi độ Vu lan về, hình ảnh thân thương của cha mẹ lại hiện lên trong trái tim của những người con hiếu hạnh. Mặc dù kinh tế thế giới đang khủng hoảng, nhưng thật ra khủng hoảng này tuy vậy không đáng sợ bằng khủng hoảng về đạo đức. Cái này mới đáng sợ nhất trong thế giới loài người. Chúng ta có thể nói dù nền văn minh nhân loại có phát triển đến đâu, thì đạo đức và tình người vẫn được suy tôn. Nếu như đạo đức và tình người không còn, thì xã hội loài người đã tự đào hố chôn mình và bắt đầu đi vào bóng tối.

Trong xã hội hiện đại ngày nay, đạo đức nền móng của cá nhân, gia đình đang xuống cấp. Rất nhiều người tỏ ra thờ ơ, vô cảm, không còn thương cha mẹ nữa. Trên nhiều phương tiện truyền thông chúng ta đã chứng kiến rất nhiều người con đã ngược đãi cha mẹ, chồng đánh vợ, vợ chồng sống không chung thủy…

Trên thế giới hiện giờ tình trạng bạo lực gia đình cũng đang diễn tiến, nhất là những xã hội, những đất nước ít quan tâm suy tiến về đạo đức, về tình người, thì có thể nói con người rất là tàn ác. Đối với cha mẹ, ruột rà của mình mà mình còn đối xử như vậy, thì thử hỏi người đó bước ra ngoài xã hội họ thật sự làm được gì cho xã hội, mà chính họ là cái họa ương của xã hội.

Gia đình nào cha mẹ sống đạo đức làm gương mẫu cho con cái, con cái sống hiếu nghĩa với cha mẹ, thì gia đình đó thực sự là hạnh phúc. Những cái gì cha mẹ làm, cha mẹ nói, cha mẹ nghĩ đều có ảnh hưởng đến con cái. Có thể nói xã hội văn minh là xã hội có những con người sống có hiếu, có nghĩa, có tình.

Mùa Vu lan là cơ hội để cho tất cả Tăng Ni, Phật tử tu tập tốt, làm tất cả mọi thiện sự, cúng dường Tam Bảo, giúp đỡ người già neo đơn, xây nhà tình nghĩa, làm mọi việc từ thiện, cứu đời, giúp người… Tất cả đều theo tinh thần “Thượng báo tứ trọng ân, hạ tế tam đồ khổ”, tu làm sao mà ở trên mình phải đền đáp được bốn ơn nặng - Ơn cha mẹ, ơn thầy tổ, ơn chúng sinh, ơn tổ quốc. Đây gọi là “tứ đại trọng ân”. Chúng ta gắng tu để trở thành một người tốt báo đáp được bốn ơn đó, xứng đáng là một công dân tốt với xã hội, là một người Phật tử chân chánh.

Lễ Vu lan đã ăn sâu vào đời sống văn hóa tâm linh của con người. Không những vậy, lễ hội Vu lan đã ăn sâu vào đời sống tâm linh của cả nhân loại. Lễ hội Vu lan này còn có tác dụng mạnh đến cả những thế giới vô hình. Đến ngày này chúng ta làm tất cả mọi điều tốt, mọi điều lành rồi hồi hướng cho những người đã khuất, hoặc cha mẹ mình, hoặc cha mẹ nhiều đời của mình, hoặc Cửu Huyền Thất Tổ, hoặc những chiến sĩ trận vong, đồng bào tử nạn, tất cả những anh linh bảo vệ hồn thiêng của sông núi…

Tính nhân văn của ngày lễ hội Vu lan rất sâu xa, rất đậm tình, không những loài người mà cả loài vật, không những loài vật mà luôn cho những người đã khuất. Tinh thần của Vu lan là xâu kết tình người, xâu kết tình làng nghĩa xóm, tình đồng bào, tình nhân loại, tình quê hương đất nước. Ngày này cũng suy tiến công trạng của những bậc tiền hiền, có công giữ nước, giữ làng. Có thể nói đây là ngày lễ hội văn hóa tình người.

Đến cuối cùng của lẽ sống chính là sự yêu thương. Và, sự yêu thương đó khởi đầu là cha mẹ đối với con cái, rồi con cái yêu thương cha mẹ. Sự hiếu thảo là điềm lành cho những thành công rực rỡ về sau của con cháu. Chúng ta thường thấy những đứa con sống hiếu thảo lớn lên nếu không giàu có thì cũng là người tốt được mọi người khen ngợi, để lại tiếng tốt cho đời.

Những người con hiếu thảo sau này lớn lên, do cái phước của mình thường thành nhân chi mỹ và làm ăn dễ phát đạt, dễ thành công trên đường đời. Còn, những người nào sống bất hiếu, bất nghĩa thì thường hay gặp họa ương, bị mọi người khinh khi, rẻ rúng, xem thường. Nếu có làm điều gì thành công thì cái họa cũng thường kề bên để trả lại cái nhân mà mình đã bất hiếu với cha mẹ.

Có thể nói một cách khẳng quyết rằng, sự hiếu thảo là điềm lành cho hoa trái trĩu nặng. Ngày nay tất cả những người con Phật nhớ lại nguồn cội của mình để quay về nương tựa và làm những điều thiện lành, nuôi lớn tình thương vô ngã vị tha, đề cao chữ hiếu trong lý duyên sinh của nhà Phật, đó là lý tưởng sống cao đẹp trong văn hóa dân tộc Việt Nam và các dân tộc tiến bộ trên toàn cầu. Mùa Vu lan, chính là mùa của yêu thương, trở về và đáp đền ân nghĩa.

“Dù ai buôn bán đâu đâu
Cứ rằm tháng Bảy mưa ngâu thì về”

Tuesday, October 21, 2014

Chuyện làm thơ

Posted by Tâm Kim at 1:14 AM 0 Comments
Cửa xe mở, người ấy ra khỏi xe vồn vã bắt tay. Trời ơi, Thuyên! Anh đã khác hẳn ngày trước, cử chỉ cởi mở tự tin, không còn cái vẻ rụt rè như cậu học sinh chờ đợi lời khen chê thuở chàng còn làm thơ. Anh hiện là nhà doanh nghiệp lớn tiếng tăm cả nước, nói chuyện tiền tỉ.



Cả đời tôi chưa thấy ai làm công việc gì, nghề nghiệp gì khó khăn, khổ sở, nặng nhọc như anh Thuyên làm thơ. Không biết ai là người đã nghĩ ra cái từ "thai nghén" để chỉ giai đoạn bài thơ còn nằm trong bụng, chưa chào đời nằm trên tờ giấy. Thời gian Thuyên bắt đầu một tác phẩm mới, cái "thai thơ" cũng hành anh khốn khổ chật vật không khác gì chị Sửu vợ anh ốm nghén, nhất là thời kì ốm nghén con so đẻ thằng cu Ty.

Người anh nặng nề, tâm thần bất an, đứng ngồi không yên, cho đến khi bài thơ hiện hình trên giấy. Nhưng nào đâu đã được yên. Tới đây đã vào giai đoạn ác liệt. Thường thì người ta không bằng lòng với nó. Lúc đầu anh đọc đi đọc lại, cho là tuyệt vời, rồi phút chốc bỗng thấy nó tầm thường, anh thêm chỗ nầy, bớt chỗ kia, cuối cùng vò bài thơ, ném vào giỏ rác dưới bàn. Anh đứng lên bỏ đi quanh quẩn một lúc, trở lại bàn, cúi xuống vạch rác ra tìm cục giấy vo tròn lúc nãy, vuốt ve cho phẳng phiu, đọc và...hoang mang nên lấy hay không?

Vậy thì ai cho việc làm thơ là lao động nhẹ là lầm, rất lầm. Làm thơ là một thứ lao động nhọc nhằn, có thể dùng cả từ " lao động khổ sai". Hồi trước ra tòa lãnh cái án từ năm năm đến hai mươi năm thì gọi là án "khổ sai". Xem như rồi đời !

Một hôm tôi đến thăm Thuyên. Thuyên không có nhà. Mới thấy mặt tôi, chị Sửu trách:

- Không biết ai chơi ác, mới hai mươi ba tháng chạp đã trao cho anh Thuyên nhà tôi một bài thơ Đường luật, bài thơ xuân. Người khác chỉ cần liếc mắt đọc xong gặp tác giả khen qua loa vài câu rồi cho vào ngăn kéo. Nhưng Thuyên đâu có là người dửng dưng với thơ như thế. Anh vô cùng hăm hở và quyết chí phải" Họa"theo lời chị Sửu anh mà xướng họa thơ xuân thì năm ấy cả nhà mất ăn tết!

Từ đó Thuyên vào ra lúc nào cũng đăm chiêu. Anh không còn lòng dạ nào chuẩn bị tết nhất. Năm đó rủi cho anh bài xướng có cặp đề:

Tết nhất năm nay ngó vắng tanh

Lẽ ra sum họp đại gia đình...

Bài xương lấy mất chữ" vắng tanh" một bài họa của một " thi hữu" khác lấy đi chữ "lạnh tanh" Anh nghĩ tới nghĩ lui thấy phần mình chỉ còn chữ "Hôi tanh" Thơ tết làm sao nhét chữ nầy vào được?

Và thế là anh mất ăn mất ngủ để tìm cái gì "tanh, tanh" đây. Tìm mãi không ra anh đâm gắt cả với vợ con. Thuyên đóng cửa phòng, nhất định không tiếp ai. Thế là mất toi cái tết!

Nhưng tại sao phải chơi trò xướng họa, tìm chữ tìm vần, một trò chơi vô duyên, chẳng mấy thú vị, thua hẳn trò chơi dế của trẻ con mà người lớn lại ham thế? Trò nầy ràng buộc người ta đủ thứ, trói tay trói chân, trói cả ý tưởng, bắt người ta nằm trong khuôn phép không được cựa quậy rồi phán một câu: "Phải làm cho hay!" Người say thơ như anh Thuyên, khi có người trao cho một bài thơ không thể phải để đọc qua loa rồi cất, phải họa. Không họa có nghĩa là chưa đánh đã hàng. Bài họa non tay cũng là một sự sĩ nhục ghê gớm.Bài thơ xướng, dù là một bài thơ tả cảnh tả tình hiền hòa nhất nó vẫn là một lời thách đấu, một sự khiêu chiến, một sự trêu ghẹo, không thể làm ngơ được.

Nỗi khổ tâm lớn nhất của nhà thơ là không biết bài thơ mình hay dở thế nào? Họ cũng biết sợ cái tính chủ quan "văn mình vợ người" Ước chi có cái thước hay cái cân để cân đo thơ. Không có nên nhà thơ cũng phải áp dụng một vài kĩ thuật để cân đo thơ. Có người nói thơ như rượu, rượu ngon càng lâu càng ngon, rượu dở để mấy ngày hóa dấm ngay. Người ta khuyên làm xong bài thơ nào đem giấu nó đi. Biết thì vẫn biết thế, nhưng làm sao giấu một tác phẩm còn nóng hổi cho được.Thành thử nhà thơ cứ phải lôi nó ra và bị nó hành hạ.

Còn cách nào để thử thơ không? Còn. Đó là cách nhờ người khác đánh giá. Vô phúc cho tôi, tôi bị Thuyên dùng vào việc nầy. Thuyên nghĩ tôi là cái máy phân tích thơ khá tin cậy, giống như hòn đá thử vàng. Đây thực là một nhiệm vụ vô cùng tế nhị và khó khăn. Quan điểm tôi cũng đã thay đổi hai ba lần khi giữ trọng trách nầy.Vấn đề là khen hay chê, cái nào"nhân đạo"hơn cái nào?

Lúc đầu tôi ban phát lời khen một cách hết sức hào phóng, giống như nhà nước in tiền trong thời kì kinh tế lạm phát. Vì thế anh Thuyên càng khắng khít với tôi nhiều hơn nữa.Thuyên sống ở nhà quê cách phố hơn mười cây số. Mỗi lần xong một bài thơ anh đạp xe ngược gió mười cây số tới cho tôi xem. Anh không đến tay không, ngoài bài thơ khi thì quả mít ướt, khi nải chuối tiêu, gọi là cây nhà lá vườn. Mấy đứa con tôi thấy bác Thuyên lại mừng lắm. Từ khi nhận được nhiều lời khen, mật độ những bài thơ ngày càng dày hơn. Sau tôi thấy cứ để như thế là không ổn. Không có lí do gì để tôi hành hạ bạn và hưởng lợi nhiều như thế.

Tôi thay đổi quan điểm. Tôi quay ngược một góc 180 độ. Tôi hà tiện lời khen. Thay vì " hay" tôi hạ xuống thành" được", có khi nhẫn tâm hơn tôi còn phán" tạm được". Tôi lại càng độc ác khi giải nghĩa cái từ " được" . Được có nghĩa là không được, vì có thơ nào là thơ không được? Tôi chỉ còn kị cái từ"dở" là chưa dám dùng. Thay vì đọc đi đọc lại hai ba lần, nay tôi chỉ lướt qua. Thay vì đãi cát tìm vàng, tôi nay cố sức nhặt sạn. Tôi muốn làm cho anh ta nản lòng.

Nhưng than ôi! Anh chàng nầy lậm thơ quá nặng! Anh không nãn tí nào. Thuốc đắng đối với anh chẳng đả tật.Thuyên vẫn tiếp tục đạp xe ngược gió mười cây số với mấy món quà quê và những bài thơ để nghe những lời bình không còn êm tai nữa! Tôi thấy cách nầy cũng không giải quyết được căn bệnh lạm thơ.Tôi đặt ra cho mình vấn đề : Cứ nuôi dưỡng hồn thơ của Thuyên một cách vô vọng hay nói thẳng cho anh ta biết anh không thể nào trở thành nhà thơ ? Cách trước thì độc ác theo kiểu thấy người ta lạc đường mình không chỉ. Cách thứ hai thì độc ác theo kiểu hạ một nhát dao giết chết nàng thơ của chàng. Tôi chọn cách thứ hai.

Sau khi đã rào đón xa gần đủ thứ, tôi lấy hết can đảm nói:

- Thuyên ơi ! Đừng làm thơ nữa, cậu chẳng thể trở thành nhà thơ. Thôi lớn tuổi rồi, bỏ nó đi, lo sự nghiệp, lo gia đình...

Thuyên im lặng, người anh như đóng băng trên ghế.Còn tôi thì khổ sở như vừa phạm một tội ác tày trời. Từ giây phút đó chúng tôi không dám nhìn thẳng mặt nhau. Thuyên im lặng ra về. Chưa lần nào tôi thấy anh dẫn chiếc xe đạp nặng nề như hôm đó.Và cũng từ đó tôi mất anh.

Tôi chẳng được thanh thản đâu. Tôi khổ sở vô cùng. Tôi chia mình thành hai người. Một là ông đại diện viện kiểm sát ra sức buộc tội mình : Tại sao lại tàn nhẫn với người ta đến thế? Làm thơ là cái thú vui thanh cao có hại ai đâu lại cấm ? Còn người nữa là ông luật sư bênh vực cho tôi. Ông luật sư nói: Đồng ý làm thơ là cái thú thanh cao, song đối với anh chàng nầy thì lại khác, thơ nó tàn nhẫn, nó hành hạ người ta quá sức, phải cắt đứt nó, cai như cai ma túy. Hai ông luật nầy cãi cọ với nhau suốt ngày trong cái đầu của tôi.

Lần hồi rồi tôi cũng quên. Khỏang bảy tám năm sau, trong khi tôi vẫn là tôi, nghĩa là đường danh vọng không nhích lên được một li, ngày hai buổi đạp chiếc xe cà tàng đi làm, tương lai mờ mờ trước mắt. Một hôm tôi dẫn chiếc xe đạp hư về nhà, vì trong túi chẳng có đồng nào để sữa, chợt có chiếc xe du lịch sang trọng chạy chầm chậm rồi dừng lại. Nhìn vào xe tôi thấy một "đức ông" bệ vệ sang trọng, ông ta vẫy, tôi sợ lầm không dám dừng lại. Người như tôi làm gì có bạn bè sang trọng như thế nầy?

Cửa xe mở, người ấy ra khỏi xe vồn vã bắt tay. Trời ơi, Thuyên! Anh đã khác hẳn ngày trước, cử chỉ cởi mở tự tin, không còn cái vẻ rụt rè như cậu học sinh chờ đợi lời khen chê thuở chàng còn làm thơ. Anh hiện là nhà doanh nghiệp lớn tiếng tăm cả nước, nói chuyện tiền tỉ.

Về nhà tôi đem chuyện nầy khoe với vợ. Tôi khoái trá nói:

- Tất cả thắng lợi của anh Thuyên trên thương trường là nhờ tôi, do tôi, của tôi. Tôi đã có công lớn trong việc tống khứ cái nàng thơ chết tiệt ra khỏi cái đầu đầy tài năng kinh tế của Thuyên!

Vợ tôi mỉa mai:

- Hôm đó mà anh Thuyên quẩn trí, thất vọng, trên đường về nhà đâm vào xe thì ông có huênh hoang lên rằng nhờ ông không? !!!

Danh Mục

Recent Articles

about me

Name: Pig Ella
Birthday: 12/02/1992
Facebook: Tâm Kim (Ellacos)
Fanpage: Cảm Xúc Gốc
Address: Vĩnh Phúc
Email: tamkim.91@gmail.com / tamkim.smile@gmail.com

A photo on Flickr
back to top