Showing posts with label CuocSong. Show all posts
Showing posts with label CuocSong. Show all posts

Monday, November 3, 2014

Hãy thôi an phận, đứng dậy và tìm tương lai cho mình đi em nhé!

Posted by Tâm Kim at 2:30 AM 0 Comments
Ai cũng có một cuộc đời, dù nó hạn hữu thôi, nhưng cũng phải trải qua biết bao nhiêu chông gai, bao nhiêu khổ ải mới đến được hạnh phúc. Có những lúc TÔI muốn gục ngã, muốn bỏ cuộc khi đã quá mệt mỏi. Nhưng rồi tự nhủ, cha mẹ một đời vất vả nuôi ta, thế này đã nhằm nhò gì, thế là đứng dậy mà bước tiếp cho hết đường dài. 



Này em, khi ngày ngày người ta tất tả ngược xuôi để lo cơm áo, gạo, tiền. Thì em còn ngồi đó, và ngóng trong khắc khoải đến bao giờ.

Hình như trong xã hội ngày nay, với những người an phận, thụ động như em thì việc chờ đợi là một điều quá bình thường phải không ?.

Con người sinh ra, vốn hơn các loài khác là có đầu óc để suy nghĩ, có chân tay để làm việc. Nhưng em tôi, ra trường với tấm bằng ngon lành lại không tự mình đi tìm con đường cho mình. Em ngồi đấy, ngồi chờ những mối quan hệ, chờ những người quen, người thân, liên hệ này nọ, để tìm cho em một chỗ mà theo em là xứng đáng trong các cơ quan nhà nước. Thông thường, an phận có nghĩa là hài lòng và hạnh phúc với những gì đang có. Nhưng với em tôi, an phận là có nghĩa ngồi một chỗ và phó mặc đời mình cho những lần nhờ vả phải không em. Con đường vốn dài rộng thênh thang.

EM chưa đi sao lại chỉ ngồi đấy và hình dung ra những mặt xấu để rồi em lại băn khoăn, rồi lại cứ cố chấp về điều đó.Này em, cuộc đời em, em không tự lo được, thì em còn mong chờ vào ai.Em ạ! Cuộc đời này, không có cái gì là hoàn hảo đâu. Nếu em nhìn đâu cũng thấy mặt xấu, nhìn đi đâu cũng chỉ thấy mặt tiêu cực, nhìn đến vấn đề nào, em cũng có thể chê bai này nọ. Vậy thì đến khi nào em mới tự hài lòng và hiểu đúng nghĩa hai chữ “an phận” đây em?. Hai mặt trái - phải, tốt - xấu, tích cực - tiêu cực… chính là cuộc sống đấy em ạ. Em có đi ra ngoài, em mới thấy được rằng, để làm nên nụ cười ngày hôm nay thì không thiếu những giọt nước mắt đã rơi ngày hôm qua.Để đạt được thành quả, thì bao nhiêu mồ hôi đã rơi ướt áo. Để có được những ngày hạ nắng vàng ấm áp, cũng phải trải qua những ngày đông với những cơn mưa tầm tã, những đợt rét thấu da, thấu thịt.Cuộc đời là những lần đi, là những thử thách chờ ta phía trước.

Ai cũng có một cuộc đời, dù nó hạn hữu thôi, nhưng cũng phải trải qua biết bao nhiêu chông gai, bao nhiêu khổ ải mới đến được hạnh phúc. Có những lúc TÔI muốn gục ngã, muốn bỏ cuộc khi đã quá mệt mỏi. Nhưng rồi tự nhủ, cha mẹ một đời vất vả nuôi ta, thế này đã nhằm nhò gì, thế là đứng dậy mà bước tiếp cho hết đường dài. Cuộc sống ngày nay, không cho phép ta yếu đuối, không cho phép ta dừng chân. Bởi nếu em yếu đuối, trong sự bon chen, xô bồ này, em sẽ thấy mình luôn luôn lạc lõng. Bởi nếu em dừng chân, thì em sẽ thấy mình đã lỡ làng bao nhiêu thứ, bao nhiêu cơ hội không đến lần thứ hai.

Tôi nói dừng chân ở đây, không có nghĩa là dừng lại nghỉ ngơi, hay sống chậm lại.Mà dừng chân là khi em chưa cố gắng hết mình đã vội vàng bỏ cuộc. Em sợ thay đổi, sợ rằng môi trường mới sẽ đầy những khó khăn. Thế là em dừng lại, an phận thủ thường với những gì quen thuộc hằng ngày.Có trải qua mọi thứ, em mới thấy mình khôn ra và trưởng thành lên được. Có trải qua những va chạm với đời, với người, em mới thấy mình học được nhiều điều. Và em sẽ thấy, cuộc đời này không khó sống như em tưởng đâu em ạ. Đừng làm con ốc chỉ mãi trốn trong cái vỏ của nó. Tháng năm vốn không chờ đợi ai, em có tuổi trẻ với sức sống căng tràn, tôi mong em đủ vững vàng, và bản lĩnh tự đứng dậy, tự quyết định đời mình.

Phía trước luôn có những con đường chờ em đặt bước chân khám phá.

Nguồn mlog.yan.vn

Thursday, October 23, 2014

Yêu là đau nhưng sao con người vẫn cố

Posted by Tâm Kim at 8:00 PM 0 Comments
Nay yêu mai ghét, nay còn mai mất không ai biết trước được. Còn phân biệt, còn dính mắc là còn khổ đau. Người vương mang vào tình yêu không lúc nào được thảnh thơi, trái lại luôn ôm ấp trong lòng nỗi sầu lo vô tận.

Thực tập vô tham sẽ đưa ta đến vô lo, vô ưu và vô nghiệp. Bằng cách cho đi đến tận cùng chúng ta sẽ được giải phóng khỏi ý niệm sở hữu. Không có cái gì thì sẽ không còn lo cho cái đó nữa. Ta sẽ được thảnh thơi, thong dong đi giữa dòng đời. Hành giả thọ trì giới luôn tâm niệm sống cuộc đời của người phụng sự, một cuộc đời tri túc, biết thế nào là đủ, tiết chế sự tiêu thụ, tiết chế sự đắm nhiễm của sáu căn với sáu trần.



Tham là ham muốn và đắm say một đối tượng như tiền tài, danh vọng, sắc đẹp, ăn uống, ngủ nghỉ, yêu thương… Người tham cho bản thân đã đành, đôi lúc còn tham cho cả người khác trong gia đình, bạn bè, người thương hay quốc gia… Lòng tham không biết kiềm chế gặp điều kiện sẽ bùng phát dữ dội và dẫn đến nhiều hệ quả khôn lường. Một trong những biểu hiện rõ nét nhất của tâm tham chính là tham ái hay còn gọi là tâm luyến ái.

Tâm luyến ái thể hiện qua sự yêu thương nhau giữa người này với người kia, giữa ba mẹ và con cái, giữa anh chị em, giữa bạn bè… Luyến ái là thứ tình cảm còn phân biệt và dính mắc. Trong các dạng tình cảm trên thì tình yêu nam nữ là thứ tình cảm gây ra nhiều nội kết sâu nặng và khổ đau cho người. Hạnh phúc trong tình yêu thường đi đôi với khổ đau. Vì còn kẹt vào thất tình lục dục nên vui khi được sở hữu và thỏa mãn người mình-cho-là-yêu, và sầu muộn khi không còn được tiếp nối mối lương duyên ấy. Vì thế, trong Kinh Buông Bỏ Ân Ái, Đức Phật đã dạy:

“Lạc thú sinh lo lắng
Ân ái sợ vô thường”

Dù mình đang hưởng thọ lạc thú hay đang vui trong ân ái thì mình cũng nơm nớp lo sợ không biết ngày mai người thương mình có còn hay không, không biết giây phút hạnh phúc này sẽ kéo dài được bao lâu, làm sao để duy trì được mối tình này mãi mãi… Dẫu biết rằng trên thế gian không gì là mãi mãi nhưng ta vẫn thích ôm ấp trong lòng hình bóng người thương. Chân lý Đức Phật đã dạy: “Yêu nhau hay ghét nhau, rốt cuộc rồi cũng phải xa nhau. Không có gì mà cơn lũ của cái chết không cuốn theo nó.”  Vì ta không phải là ta, người ta thương không phải là người ấy. Ta và người thương đã không có thực thì ý niệm tình yêu chỉ là huyễn mộng. Quán chiếu lại, ta thấy mình và người ấy là sắc pháp còn tình cảm lứa đôi là danh pháp. Vì duyên hợp ta tìm đến với nhau, duyên tan thì ta xa rời nhau. Tình yêu đến rồi đi, người yêu có rồi mất. Tất cả đều như một cơn gió vô thường. “Tên tuổi người ấy ta còn nghe, nhưng người ấy đã đi rồi. Người ấy dễ thương hay không dễ thương, bây giờ ta cũng không trông thấy nữa.” Từ lúc mới sinh ra, ta đến với cuộc đời một mình, chưa hề biết khái niệm cô đơn.

Có cái gì phải lo cho cái đó. Có nhà phải lo giữ nhà, có xe phải lo giữ xe, có vợ hay chồng phải lo giữ. Không có nhà, không có xe, không có người yêu thì không có gì để lo sợ mất. Tâm vẽ ra tất cả, tâm vẽ ra tình yêu, vẽ ra hình sắc người yêu. Vì tham cầu ái dục nên người phóng tâm đi tìm đối tượng để cho và nhận tình yêu như con tằm tự xây kén trói buộc mình. Người đánh đổi tự do bằng hương vị của dính mắc mà không biết rằng “Những lạc thú của cuộc đời cũng giống như những gì ta thấy trong một giấc mơ. Thức dậy rồi thì không còn thấy gì nữa. Những gì mà người đời đang tham cầu cũng thế. Một khi tâm thức hết biểu hiện thì còn có gì nữa đâu?”  Nay yêu mai ghét, nay còn mai mất không ai biết trước được. Còn phân biệt, còn dính mắc là còn khổ đau. Người vương mang vào tình yêu không lúc nào được thảnh thơi, trái lại luôn ôm ấp trong lòng nỗi sầu lo vô tận. Do đó, muốn được giải thoát, được tự do, người tu phải biết buông bỏ ân ái, không để bất cứ hình ảnh hay âm thanh nào làm vướng bận, không để cái thương, cái ghét, cái buồn, cái lo tiếp xúc và xâm nhập vào mình.

Yêu một người đã khổ, có người yêu cùng lúc hai, ba người, hay có những vị vua có cả trăm cung tần mỹ nữ. Ta thấy hiếm có vị vua nào nhiều vợ mà sống lâu. Những người chồng hay vợ ngoại tình thường gặp cảnh gia đình đổ vỡ, con cái bơ vơ. Tâm luyến ái nếu không kiểm soát bằng chánh niệm và tỉnh thức sẽ bùng nổ như sóng tràn bờ đê và nhấn chìm ta trong dục lạc. “Ma và Phật lúc nào cũng có mặt, như chàng dũng sĩ và tên cướp trên sân khấu, phải có hai nhân vật này thì mới thành một vở kịch.”  Phật cao một trượng, ma cao muôn trượng. Tu tập thì rất khó nhưng lạc lối thì rất dễ. Thế gian có nhiều phiền não, nhưng không có cái phiền não nào lớn hơn cái phiền não do ái dục đem đến. Yêu bao nhiêu người cũng giống như nhân số đau khổ lên gấp bấy nhiêu lần. Tâm dục lạc sẽ dẫn người tái sinh về cõi dục giới đầy rẫy những nhiễm ô, phiền muộn. Thọ mạng con người là vô lượng. Chúng ta có mặt trên trần thế cũng do nghiệp tham ái đưa đẩy. Là người, ai cũng mang nghiệp vào thân, nghiệp cũ chưa hóa giải xong đã tạo thêm nghiệp mới thì bể khổ trầm luân không biết đâu là bờ. Ái ân là lực hút đưa ta đi vòng quanh trong bánh xe luân hồi. Buông bỏ được ái ân thì tâm như được gội rửa, thanh tịnh và thảnh thơi, rộng đường tu tập.

Tâm tham còn dẫn người đến si mê, chấp trước và nhiễm đắm. Người không có chánh niệm và tỉnh thức sẽ sống vô minh không biết mình là ai, mình muốn gì, mình đang nghĩ gì và có xu hướng hành động theo đám đông.Người đời sợ cô đơn, ta cũng sợ cô đơn. Người đời thích tham ái, ta cũng thích tham ái. Người đời thường hay sân, ta cũng hay nổi giận. Khi ham thích một đối tượng nào đó, ta thường hay bị ám ảnh bởi hình ảnh của đối tượng ấy và tìm mọi cách để sở hữu đối tượng ấy. Người thích một món ăn, buổi trưa đang làm việc ở cơ quan đã nghĩ đến cảnh buổi chiều phải ghé ngang nhà hàng quen thuộc có bán món ấy cho bằng được. Người sống bình yên một mình từ nhỏ nhưng khi lớn lên lại muốn bình yên bên một người khác. Hai người yêu nhau không hạnh phúc nhưng không có can đảm chia tay vì sợ mất người mình cho là yêu. Dù dằn vặt nhau trong đau khổ, người vẫn chấp nhận chịu đựng ngày qua ngày. Người thích ôm nhiều thứ vào lòng bất kể đó là niềm vui hay nỗi buồn. Người chơi vơi trong muôn trùng khơi không biết đâu là bến bờ. Biết đau mà vẫn cố, biết khổ mà vẫn giữ chính là thể hiện tâm tham, tâm si của chúng ta.

Ta đã qua mấy lần thơ trẻ. Lúc còn nhỏ thì tham ăn, khi lớn lên thì tham sắc, trưởng thành thì tham danh lợi, già cỗi thì tham sống. Người nữ thường hay dính mắc vào giọng nói và người nam thường hay dính mắc vào hình sắc. Khi ta nói ta thương một ai đó thì nên quán chiếu lại ta có thực sự thương người đó không hay ta thương cái tự ngã của mình. Các yếu tố lôi kéo con người ở lại trần thế nhiều nhất chính là năm dục: tài, sắc, danh, thực, thùy. Vì người cho rằng ta là ta, cái này là của ta, gia đình là của ta, người thương là của ta nên ta ra sức làm mọi thứ để có được. Vì thương thân, muốn chiều chuộng tấm thân này nên ta ra sức làm kiếm tiền để cung phụng cho nhan sắc được mỹ miều, cho đôi tai được nghe những âm thanh ngon ngọt, cho cơ thể được những xúc chạm dễ chịu và cho danh tiếng được bay cao… Do vô minh, chúng ta liên tục cung cấp thức ăn dục lạc cho sáu căn mà không biết rằng cuộc đời là giả tạm, mọi thứ đều vô thường. Thân giả hợp rồi cũng tan rã. Càng chiều chuộng tấm thân bằng dục lạc, ta càng bị đắm nhiễm vào bể khổ dục giới. Tất cả chỉ là danh sắc. Thân là sắc, ý niệm là danh. Không có cái đẹp cũng không có cái xấu. Không có cái sướng cũng không có cái khổ. Kẹt vào danh từ và ý niệm là kẹt vào danh và sắc, kẹt vào cái biểu hiện không thực và trói buộc mình trong chiếc kén của phiền não. Nếu không biết quán chiếu và nhận diện danh sắc vô thường, ta sẽ mãi đeo đuổi thú đau thương trong kiếp này và hằng hà sa số kiếp sau.

Thực tập vô tham sẽ đưa ta đến vô lo, vô ưu và vô nghiệp. Bằng cách cho đi đến tận cùng chúng ta sẽ được giải phóng khỏi ý niệm sở hữu. Không có cái gì thì sẽ không còn lo cho cái đó nữa. Ta sẽ được thảnh thơi, thong dong đi giữa dòng đời. Hành giả thọ trì giới luôn tâm niệm sống cuộc đời của người phụng sự, một cuộc đời tri túc, biết thế nào là đủ, tiết chế sự tiêu thụ, tiết chế sự đắm nhiễm của sáu căn với sáu trần. Chúng ta dừng lại không phải đứng một chỗ mà là dừng lại tâm tham của mình, dừng lại những ham muốn đòi hỏi trong tâm, nhận ra những cái mình đang tác ý để ngăn chặn phạm giới và tạo nghiệp. Một khi không còn ý niệm nữa thì Niết Bàn hiện tiền. Nói như thế không có nghĩa là chúng ta nổi giận, xua đuổi khi phát hiện tâm tham nổi lên. Tất cả các cảm thọ đều có sinh diệt. Thiền sinh khi thực tập nhận diện điểm bắt đầu – kết thúc của cảm thọ trong chánh niệm. Vì đời sống vô thường nên ta mỉm cười cho tất cả dù đó là khổ đau hay hạnh phúc. Thực tập kham nhẫn, kiềm chế sáu tâm phiền não, bỏ tâm phân biệt và đặc biệt là rải tâm từ đến tất cả chúng sinh sẽ mang đến cho chúng ta một cuộc đời trong sạch và thảnh thơi.

“Ta vẫn còn đến đi thong dong
Có không còn mất chẳng băn khoăn
Bước chân con hãy về thanh thản
Không tròn không khuyết một vầng trăng”

Cha mẹ - huyết mạch của sự yêu thương

Posted by Tâm Kim at 7:57 PM 0 Comments
Khi chúng ta còn non trẻ, còn ấu thơ, tâm hồn của chúng ta trong trắng lắm, cha mẹ đã tập cho chúng ta từng tiếng nói đầu đời, cha mẹ hun đúc cho chúng ta bước vào đời một cách tự tin, vững chãi. Không những lo cho chúng ta việc ăn ở mà còn lo cho chúng ta về đạo đức. Không những lo cho chúng về đạo đức mà còn lo cho chúng ta có kiến thức để bước vào đời và trở thành một người sống có ích cho xã hội.

Trong nền văn hóa dân tộc Việt Nam, đạo hiếu làm con là di sản văn hóa tinh thần vô giá, di sản này truyền thừa từ thời mới lập quốc, đến khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam, thì đạo đức dân tộc hòa chung với đạo đức Phật giáo như nước và sữa.


Bản chất của người Việt Nam là yêu chuộng hiếu đạo, mà giáo lý của Phật giáo là giải thoát, vì vậy hai luồng tư tưởng gặp nhau đã làm thăng hoa giá trị văn hóa tinh thần của người dân Việt. Làm người ai cũng có cha và mẹ, hai đấng sinh thành dưỡng dục ta nên người, cho ta thân thể hình hài này, cho ta đạo đức làm người, cho ta biết yêu thương và chia sẻ.

Tại sao nói cha mẹ là nguồn mạch của yêu thương? Có thể nói, bốn sự yêu thương tạo nên tình thương thực sự để chúng ta bước vào cuộc đời, sự cảm nhận trước tiên của chúng ta là cha và mẹ. Nhất là khi mới chào đời, chúng ta nằm trong vòng tay êm ấm của mẹ, nhận được sự chắt chiu nuôi nấng của mẹ.

Cha thương con thì không như mẹ, hai thái cực khác nhau nhưng có chung một tình thương vô bờ. Cha thương con thường chúng ta ít nhận ra. Tình thương của người cha nghiêm nghị và khô khan, đó là bản chất nam tính của người đàn ông, không mềm mại, không nhu mì nên chúng ta ít cảm nhận như tình thương của người mẹ. Vì không cảm nhận được mà đôi khi chúng ta cho là không có tình cảm, nhưng kỳ thật tình thương của người cha cũng không thua kém gì tình thương của mẹ.

Tình yêu thương của người mẹ hun đúc chúng ta khi mới chào đời. Rõ nét, đậm tình, nên chúng ta thấy tình cảm của người mẹ ngọt ngào, nhẹ nhàng, êm ái, giống như ánh trăng rằm. Còn tình thương của cha gay gắt giống như ánh sáng mặt trời. Cổ nhân nói “Cha như mặt trời, mẹ nhưmặt trăng” là vậy.

Chúng ta hãy quán sát xem trên thế gian này chỉ có mặt trăng mà không có mặt trời thì chúng ta sống có được không? Còn nếu như chỉ có mặt trời thôi, mà không có mặt trăng thì sống được, nhưng hình như nó mất đi cái thi vị hóa của cuộc sống. Bởi trăng về đêm, nhất là trăng hạ huyền làm cho cuộc sống này như bồng lai tiên cảnh. Và, đêm có trăng thật dịu hiền, mát mẽ, ngồi ở sân nhà trong đêm trăng có gió mát, chúng ta sẽ cảm nhận hết cái nhẹ nhàng, thanh thoát, đầm ấm của đêm trăng như thế nào, thì tình mẹ cũng như thế đó.

Nhưng ở đây, phải nói là chúng ta nhận tình yêu thương của cha mẹ đầu tiên, rồi chúng ta phải đáp lại tình yêu thương đó đối với cha mẹ cũng phải rất chân thành. Có như vậy chúng ta mới nói được tiếng nói yêu thương, để chúng ta trang trải lòng từ bi vào cuộc sống này đối với tất cả mọi người có tương quan, tương sinh với mình.

Trước tiên chúng ta phải nghĩ, phải thương, phải đền đáp ơn sinh thành của cha mẹ, sự chân thành đó chớm nở làm nền tảng căn bản để chúng ta phát huy đạo đức vào trong lòng xã hội nhân sinh. Như vậy, tình yêu thương của chúng ta mới có nền tảng căn bản thực sự. Làm con mà không thương cha mẹ, lại thương người khác, thì tình thương đó chắc là không có thực tâm. Cha mẹ không thương mà lại đi thương người ngoài, thương đủ thứ người thì tình thương đó trở nên lãng đãng, mông lung rồi. Tình thương đó bị ô nhiễm, có tính toán và mưu đồ, và nghe có vẻ lợi dụng quá!

Vì vậy, muốn thực tập yêu thương thì chúng ta phải tập yêu thương cha mẹ trước, mà phải thương một cách thật tâm, thương một cách chân tình, không thể thương trên lý thuyết, hay chỉ nói thương trên miệng lưỡi, mà chúng ta phải thương bằng sự báo đáp ân tình, ân nghĩa thực sự ngay trong cuộc sống này. Hiếu không được chỉ hiểu trên mặt tri thức mà phải thể hiện ra bằng cái hạnh, cho nên mới gọi là hiếu hạnh. Hạnh hiếu có rồi thì chúng ta mới thể hiện sự hiếu dưỡng, tức là nuôi cha mẹ, lo cho cha mẹ từ vật chất đến tinh thần. Có như vậy, vào ngày này chúng ta mới có thể trở về nguồn mạch yêu thương đầu đời.

Khi chúng ta còn non trẻ, còn ấu thơ, tâm hồn của chúng ta trong trắng lắm, cha mẹ đã tập cho chúng ta từng tiếng nói đầu đời, cha mẹ hun đúc cho chúng ta bước vào đời một cách tự tin, vững chãi. Không những lo cho chúng ta việc ăn ở mà còn lo cho chúng ta về đạo đức. Không những lo cho chúng về đạo đức mà còn lo cho chúng ta có kiến thức để bước vào đời và trở thành một người sống có ích cho xã hội.

Vì vậy, ngày Rằm tháng Bảy Vu lan nghiễm nhiên trở thành lễ hội truyền thống của dân tộc ta và đã đi sâu vào mạch sống của người dân Việt từ xưa đến nay. Có thể nói, Lễ hội Vu lan mang đậm tính nhân văn sâu sắc, và ngày này được người ta gọi là ngày trở về nguồn. “Cây có cội, nước có nguồn”, cây có gốc bám sâu vào lòng đất thì cây đó mới phát triển to lớn được và ngọn ngành được vững vàng là do từ nơi gốc rễ. Còn nước, khi thấy nó chảy xuống suối, xuống sông, ra biển, thì mình phải biết rằng nó có nguồn mạch của nó, nó xuất phát từ nơi đầu nguồn.

Vậy cội và nguồn chính là gốc rễ yêu thương của cha mẹ, chúng ta phải biết yêu thương cha mẹ trước khi chúng ta nói yêu thương người khác, đó là căn bản làm người. Trong nhà Phật , vào Rằm tháng Bảy có bốn câu như thế này:

“Trung Nguyên ngày hội vọng Vu lan
Bến giác chiều thu sóng đạo ngàn
Hởi ai là kẻ mang ân nặng
Hãy vận lòng thành đón Vu lan”

Trung Nguyên Rằm tháng Bảy là ngày hội Vu lan của đạo Phật. Bến giác chiều thu, chúng ta có phải là người đang ở bến giác, hay là xa rời bến giác? Nếu ai xa rời bến giác thì người đó không phải là Phật tử. Phật tử tức là con của bậc giác ngộ. Chúng ta nhất định phải ở bến giác hay qua bờ giác, mà giác này là trung tâm của đạo Phật, cho nên gọi đạo Phật là đạo giác ngộ.

Vu lan là dịp những người con mang nặng ân tình, ân nghĩa sâu đậm của cha mẹ trở về chùa, vận hết tất cả lòng thành để đón mừng lễ hội này bằng một cái tâm chí thành, chí hiếu, chí kính đối với cha mẹ của mình. Cho nên cha mẹ mình còn sống thì đây là dịp may và phước lớn cho chúng ta trở về phụng thờ để lo đáp đền báo hiếu. Đức Phật đã dạy: “Gặp thời không có Phật, nếu ai biết phụng thờ cha mẹ tức là phụng thờ Phật”.

Như vậy rõ ràng cha mẹ ngang tầm với Phật rồi. Tại sao mình cứ phải chạy đầu này đầu kia, vái lạy, cầu khẩn Phật ban phước cho mình, quan tâm đến mình, tạo điều kiện tốt cho mình, mà trong nhà mình có hai vị Phật, đó là cha và mẹ mà mình lại không biết, chính mỗi chúng ta đều có Phật để tôn thờ, đó là cha và mẹ. Vu lan rằm tháng Bảy là ngày chúng ta trở về nguồn cội tổ tông, thi ân, báo ân cho trọn vẹn hiếu đạo làm người. Nếu như chúng ta không hiếu dưỡng cha mẹ thì không thể nào trở thành người Phật tử chân chánh được. Người xưa đã nói:

“Tu đâu cho bằng tu nhà,
Thờ Cha kính Mẹ mới là chân tu.”

Như vậy, không nhất thiết ai cũng phải cần xuất gia mới gọi là chân tu, nếu ở nhà hiếu dưỡng cha mẹ thì đã là chân tu rồi. Còn nếu ai xuất gia mà làm khổ cha mẹ nhiều, thì như vậy đâu phải là người con thật sự, đâu phải là người chân tu. Mong rằng trong lễ hội Vu lan năm nay, chúng ta biết quay trở về sống thật tâm, thật tốt đối với cha mẹ của mình thì ngày Vu lan mới có ý nghĩa thật sự.

Hiếu dưỡng cha mẹ không phải là một sự bắt buộc vô lý, xã hội loài người khác với xã hội loài vật. Con vật khi sanh con cái một thời gian sau khi con nó lớn lên nó không còn nhận ra con của mình nữa, và ngược lại con của nó cũng không còn nhận ra đâu là cha mẹ mình. Chỉ có loài người mới có cái tôn ti trật tự này, mới nghĩ đến việc báo hiếu cha mẹ.

Nếu như ai lớn lên, bất hiếu với cha mẹ thì bị mọi người lên án, đánh đập cha mẹ thì có thể vào tù, hoặc loạn luân với cha mẹ thì gọi là con vật chớ không phải là con người. Rõ ràng chỉ có xã hội loài người mới có đầy đủ trí khôn để lập nên trật tự của xã hội như vậy. Do đó, hiếu dưỡng cha mẹ không phải là do mình bịa đặt để làm khổ cho những người con, mà đây là cái lý đương nhiên mà trí khôn của loài người phải làm như vậy. Nếu làm trái đi thì người ta xem thường và phải chịu hậu quả không tốt về sau. Phật dạy :

Tột cùng điều thiện là hiếu
Tột cùng điều ác là bất hiếu

Như vậy, chúng ta hiếu dưỡng cha mẹ, nếu nói là điều thiện thì đây là điều thiện tối cao. Điều đó khẳng định rằng, khi hiếu dưỡng cha mẹ một đời, thì người đó về sau khi lâm chung sẽ sanh về cõi Chư Thiên để hưởng phước, còn ai không biết yêu thương phụng dưỡng cha mẹ thì khi chết sẽ bị đọa vào các cõi ác để chịu hình phạt. Ai biết thương yêu cha mẹ chân tình, thì chắc chắn người đó cũng biết đối xử tốt với tình làng, nghĩa xóm, bạn bè, bà con… Còn nếu mình sống tệ với cha mẹ, thì làm sao mình sống tốt với người khác được

Mỗi độ Vu lan về, hình ảnh thân thương của cha mẹ lại hiện lên trong trái tim của những người con hiếu hạnh. Mặc dù kinh tế thế giới đang khủng hoảng, nhưng thật ra khủng hoảng này tuy vậy không đáng sợ bằng khủng hoảng về đạo đức. Cái này mới đáng sợ nhất trong thế giới loài người. Chúng ta có thể nói dù nền văn minh nhân loại có phát triển đến đâu, thì đạo đức và tình người vẫn được suy tôn. Nếu như đạo đức và tình người không còn, thì xã hội loài người đã tự đào hố chôn mình và bắt đầu đi vào bóng tối.

Trong xã hội hiện đại ngày nay, đạo đức nền móng của cá nhân, gia đình đang xuống cấp. Rất nhiều người tỏ ra thờ ơ, vô cảm, không còn thương cha mẹ nữa. Trên nhiều phương tiện truyền thông chúng ta đã chứng kiến rất nhiều người con đã ngược đãi cha mẹ, chồng đánh vợ, vợ chồng sống không chung thủy…

Trên thế giới hiện giờ tình trạng bạo lực gia đình cũng đang diễn tiến, nhất là những xã hội, những đất nước ít quan tâm suy tiến về đạo đức, về tình người, thì có thể nói con người rất là tàn ác. Đối với cha mẹ, ruột rà của mình mà mình còn đối xử như vậy, thì thử hỏi người đó bước ra ngoài xã hội họ thật sự làm được gì cho xã hội, mà chính họ là cái họa ương của xã hội.

Gia đình nào cha mẹ sống đạo đức làm gương mẫu cho con cái, con cái sống hiếu nghĩa với cha mẹ, thì gia đình đó thực sự là hạnh phúc. Những cái gì cha mẹ làm, cha mẹ nói, cha mẹ nghĩ đều có ảnh hưởng đến con cái. Có thể nói xã hội văn minh là xã hội có những con người sống có hiếu, có nghĩa, có tình.

Mùa Vu lan là cơ hội để cho tất cả Tăng Ni, Phật tử tu tập tốt, làm tất cả mọi thiện sự, cúng dường Tam Bảo, giúp đỡ người già neo đơn, xây nhà tình nghĩa, làm mọi việc từ thiện, cứu đời, giúp người… Tất cả đều theo tinh thần “Thượng báo tứ trọng ân, hạ tế tam đồ khổ”, tu làm sao mà ở trên mình phải đền đáp được bốn ơn nặng - Ơn cha mẹ, ơn thầy tổ, ơn chúng sinh, ơn tổ quốc. Đây gọi là “tứ đại trọng ân”. Chúng ta gắng tu để trở thành một người tốt báo đáp được bốn ơn đó, xứng đáng là một công dân tốt với xã hội, là một người Phật tử chân chánh.

Lễ Vu lan đã ăn sâu vào đời sống văn hóa tâm linh của con người. Không những vậy, lễ hội Vu lan đã ăn sâu vào đời sống tâm linh của cả nhân loại. Lễ hội Vu lan này còn có tác dụng mạnh đến cả những thế giới vô hình. Đến ngày này chúng ta làm tất cả mọi điều tốt, mọi điều lành rồi hồi hướng cho những người đã khuất, hoặc cha mẹ mình, hoặc cha mẹ nhiều đời của mình, hoặc Cửu Huyền Thất Tổ, hoặc những chiến sĩ trận vong, đồng bào tử nạn, tất cả những anh linh bảo vệ hồn thiêng của sông núi…

Tính nhân văn của ngày lễ hội Vu lan rất sâu xa, rất đậm tình, không những loài người mà cả loài vật, không những loài vật mà luôn cho những người đã khuất. Tinh thần của Vu lan là xâu kết tình người, xâu kết tình làng nghĩa xóm, tình đồng bào, tình nhân loại, tình quê hương đất nước. Ngày này cũng suy tiến công trạng của những bậc tiền hiền, có công giữ nước, giữ làng. Có thể nói đây là ngày lễ hội văn hóa tình người.

Đến cuối cùng của lẽ sống chính là sự yêu thương. Và, sự yêu thương đó khởi đầu là cha mẹ đối với con cái, rồi con cái yêu thương cha mẹ. Sự hiếu thảo là điềm lành cho những thành công rực rỡ về sau của con cháu. Chúng ta thường thấy những đứa con sống hiếu thảo lớn lên nếu không giàu có thì cũng là người tốt được mọi người khen ngợi, để lại tiếng tốt cho đời.

Những người con hiếu thảo sau này lớn lên, do cái phước của mình thường thành nhân chi mỹ và làm ăn dễ phát đạt, dễ thành công trên đường đời. Còn, những người nào sống bất hiếu, bất nghĩa thì thường hay gặp họa ương, bị mọi người khinh khi, rẻ rúng, xem thường. Nếu có làm điều gì thành công thì cái họa cũng thường kề bên để trả lại cái nhân mà mình đã bất hiếu với cha mẹ.

Có thể nói một cách khẳng quyết rằng, sự hiếu thảo là điềm lành cho hoa trái trĩu nặng. Ngày nay tất cả những người con Phật nhớ lại nguồn cội của mình để quay về nương tựa và làm những điều thiện lành, nuôi lớn tình thương vô ngã vị tha, đề cao chữ hiếu trong lý duyên sinh của nhà Phật, đó là lý tưởng sống cao đẹp trong văn hóa dân tộc Việt Nam và các dân tộc tiến bộ trên toàn cầu. Mùa Vu lan, chính là mùa của yêu thương, trở về và đáp đền ân nghĩa.

“Dù ai buôn bán đâu đâu
Cứ rằm tháng Bảy mưa ngâu thì về”

Tuesday, October 21, 2014

Chuyện làm thơ

Posted by Tâm Kim at 1:14 AM 0 Comments
Cửa xe mở, người ấy ra khỏi xe vồn vã bắt tay. Trời ơi, Thuyên! Anh đã khác hẳn ngày trước, cử chỉ cởi mở tự tin, không còn cái vẻ rụt rè như cậu học sinh chờ đợi lời khen chê thuở chàng còn làm thơ. Anh hiện là nhà doanh nghiệp lớn tiếng tăm cả nước, nói chuyện tiền tỉ.



Cả đời tôi chưa thấy ai làm công việc gì, nghề nghiệp gì khó khăn, khổ sở, nặng nhọc như anh Thuyên làm thơ. Không biết ai là người đã nghĩ ra cái từ "thai nghén" để chỉ giai đoạn bài thơ còn nằm trong bụng, chưa chào đời nằm trên tờ giấy. Thời gian Thuyên bắt đầu một tác phẩm mới, cái "thai thơ" cũng hành anh khốn khổ chật vật không khác gì chị Sửu vợ anh ốm nghén, nhất là thời kì ốm nghén con so đẻ thằng cu Ty.

Người anh nặng nề, tâm thần bất an, đứng ngồi không yên, cho đến khi bài thơ hiện hình trên giấy. Nhưng nào đâu đã được yên. Tới đây đã vào giai đoạn ác liệt. Thường thì người ta không bằng lòng với nó. Lúc đầu anh đọc đi đọc lại, cho là tuyệt vời, rồi phút chốc bỗng thấy nó tầm thường, anh thêm chỗ nầy, bớt chỗ kia, cuối cùng vò bài thơ, ném vào giỏ rác dưới bàn. Anh đứng lên bỏ đi quanh quẩn một lúc, trở lại bàn, cúi xuống vạch rác ra tìm cục giấy vo tròn lúc nãy, vuốt ve cho phẳng phiu, đọc và...hoang mang nên lấy hay không?

Vậy thì ai cho việc làm thơ là lao động nhẹ là lầm, rất lầm. Làm thơ là một thứ lao động nhọc nhằn, có thể dùng cả từ " lao động khổ sai". Hồi trước ra tòa lãnh cái án từ năm năm đến hai mươi năm thì gọi là án "khổ sai". Xem như rồi đời !

Một hôm tôi đến thăm Thuyên. Thuyên không có nhà. Mới thấy mặt tôi, chị Sửu trách:

- Không biết ai chơi ác, mới hai mươi ba tháng chạp đã trao cho anh Thuyên nhà tôi một bài thơ Đường luật, bài thơ xuân. Người khác chỉ cần liếc mắt đọc xong gặp tác giả khen qua loa vài câu rồi cho vào ngăn kéo. Nhưng Thuyên đâu có là người dửng dưng với thơ như thế. Anh vô cùng hăm hở và quyết chí phải" Họa"theo lời chị Sửu anh mà xướng họa thơ xuân thì năm ấy cả nhà mất ăn tết!

Từ đó Thuyên vào ra lúc nào cũng đăm chiêu. Anh không còn lòng dạ nào chuẩn bị tết nhất. Năm đó rủi cho anh bài xướng có cặp đề:

Tết nhất năm nay ngó vắng tanh

Lẽ ra sum họp đại gia đình...

Bài xương lấy mất chữ" vắng tanh" một bài họa của một " thi hữu" khác lấy đi chữ "lạnh tanh" Anh nghĩ tới nghĩ lui thấy phần mình chỉ còn chữ "Hôi tanh" Thơ tết làm sao nhét chữ nầy vào được?

Và thế là anh mất ăn mất ngủ để tìm cái gì "tanh, tanh" đây. Tìm mãi không ra anh đâm gắt cả với vợ con. Thuyên đóng cửa phòng, nhất định không tiếp ai. Thế là mất toi cái tết!

Nhưng tại sao phải chơi trò xướng họa, tìm chữ tìm vần, một trò chơi vô duyên, chẳng mấy thú vị, thua hẳn trò chơi dế của trẻ con mà người lớn lại ham thế? Trò nầy ràng buộc người ta đủ thứ, trói tay trói chân, trói cả ý tưởng, bắt người ta nằm trong khuôn phép không được cựa quậy rồi phán một câu: "Phải làm cho hay!" Người say thơ như anh Thuyên, khi có người trao cho một bài thơ không thể phải để đọc qua loa rồi cất, phải họa. Không họa có nghĩa là chưa đánh đã hàng. Bài họa non tay cũng là một sự sĩ nhục ghê gớm.Bài thơ xướng, dù là một bài thơ tả cảnh tả tình hiền hòa nhất nó vẫn là một lời thách đấu, một sự khiêu chiến, một sự trêu ghẹo, không thể làm ngơ được.

Nỗi khổ tâm lớn nhất của nhà thơ là không biết bài thơ mình hay dở thế nào? Họ cũng biết sợ cái tính chủ quan "văn mình vợ người" Ước chi có cái thước hay cái cân để cân đo thơ. Không có nên nhà thơ cũng phải áp dụng một vài kĩ thuật để cân đo thơ. Có người nói thơ như rượu, rượu ngon càng lâu càng ngon, rượu dở để mấy ngày hóa dấm ngay. Người ta khuyên làm xong bài thơ nào đem giấu nó đi. Biết thì vẫn biết thế, nhưng làm sao giấu một tác phẩm còn nóng hổi cho được.Thành thử nhà thơ cứ phải lôi nó ra và bị nó hành hạ.

Còn cách nào để thử thơ không? Còn. Đó là cách nhờ người khác đánh giá. Vô phúc cho tôi, tôi bị Thuyên dùng vào việc nầy. Thuyên nghĩ tôi là cái máy phân tích thơ khá tin cậy, giống như hòn đá thử vàng. Đây thực là một nhiệm vụ vô cùng tế nhị và khó khăn. Quan điểm tôi cũng đã thay đổi hai ba lần khi giữ trọng trách nầy.Vấn đề là khen hay chê, cái nào"nhân đạo"hơn cái nào?

Lúc đầu tôi ban phát lời khen một cách hết sức hào phóng, giống như nhà nước in tiền trong thời kì kinh tế lạm phát. Vì thế anh Thuyên càng khắng khít với tôi nhiều hơn nữa.Thuyên sống ở nhà quê cách phố hơn mười cây số. Mỗi lần xong một bài thơ anh đạp xe ngược gió mười cây số tới cho tôi xem. Anh không đến tay không, ngoài bài thơ khi thì quả mít ướt, khi nải chuối tiêu, gọi là cây nhà lá vườn. Mấy đứa con tôi thấy bác Thuyên lại mừng lắm. Từ khi nhận được nhiều lời khen, mật độ những bài thơ ngày càng dày hơn. Sau tôi thấy cứ để như thế là không ổn. Không có lí do gì để tôi hành hạ bạn và hưởng lợi nhiều như thế.

Tôi thay đổi quan điểm. Tôi quay ngược một góc 180 độ. Tôi hà tiện lời khen. Thay vì " hay" tôi hạ xuống thành" được", có khi nhẫn tâm hơn tôi còn phán" tạm được". Tôi lại càng độc ác khi giải nghĩa cái từ " được" . Được có nghĩa là không được, vì có thơ nào là thơ không được? Tôi chỉ còn kị cái từ"dở" là chưa dám dùng. Thay vì đọc đi đọc lại hai ba lần, nay tôi chỉ lướt qua. Thay vì đãi cát tìm vàng, tôi nay cố sức nhặt sạn. Tôi muốn làm cho anh ta nản lòng.

Nhưng than ôi! Anh chàng nầy lậm thơ quá nặng! Anh không nãn tí nào. Thuốc đắng đối với anh chẳng đả tật.Thuyên vẫn tiếp tục đạp xe ngược gió mười cây số với mấy món quà quê và những bài thơ để nghe những lời bình không còn êm tai nữa! Tôi thấy cách nầy cũng không giải quyết được căn bệnh lạm thơ.Tôi đặt ra cho mình vấn đề : Cứ nuôi dưỡng hồn thơ của Thuyên một cách vô vọng hay nói thẳng cho anh ta biết anh không thể nào trở thành nhà thơ ? Cách trước thì độc ác theo kiểu thấy người ta lạc đường mình không chỉ. Cách thứ hai thì độc ác theo kiểu hạ một nhát dao giết chết nàng thơ của chàng. Tôi chọn cách thứ hai.

Sau khi đã rào đón xa gần đủ thứ, tôi lấy hết can đảm nói:

- Thuyên ơi ! Đừng làm thơ nữa, cậu chẳng thể trở thành nhà thơ. Thôi lớn tuổi rồi, bỏ nó đi, lo sự nghiệp, lo gia đình...

Thuyên im lặng, người anh như đóng băng trên ghế.Còn tôi thì khổ sở như vừa phạm một tội ác tày trời. Từ giây phút đó chúng tôi không dám nhìn thẳng mặt nhau. Thuyên im lặng ra về. Chưa lần nào tôi thấy anh dẫn chiếc xe đạp nặng nề như hôm đó.Và cũng từ đó tôi mất anh.

Tôi chẳng được thanh thản đâu. Tôi khổ sở vô cùng. Tôi chia mình thành hai người. Một là ông đại diện viện kiểm sát ra sức buộc tội mình : Tại sao lại tàn nhẫn với người ta đến thế? Làm thơ là cái thú vui thanh cao có hại ai đâu lại cấm ? Còn người nữa là ông luật sư bênh vực cho tôi. Ông luật sư nói: Đồng ý làm thơ là cái thú thanh cao, song đối với anh chàng nầy thì lại khác, thơ nó tàn nhẫn, nó hành hạ người ta quá sức, phải cắt đứt nó, cai như cai ma túy. Hai ông luật nầy cãi cọ với nhau suốt ngày trong cái đầu của tôi.

Lần hồi rồi tôi cũng quên. Khỏang bảy tám năm sau, trong khi tôi vẫn là tôi, nghĩa là đường danh vọng không nhích lên được một li, ngày hai buổi đạp chiếc xe cà tàng đi làm, tương lai mờ mờ trước mắt. Một hôm tôi dẫn chiếc xe đạp hư về nhà, vì trong túi chẳng có đồng nào để sữa, chợt có chiếc xe du lịch sang trọng chạy chầm chậm rồi dừng lại. Nhìn vào xe tôi thấy một "đức ông" bệ vệ sang trọng, ông ta vẫy, tôi sợ lầm không dám dừng lại. Người như tôi làm gì có bạn bè sang trọng như thế nầy?

Cửa xe mở, người ấy ra khỏi xe vồn vã bắt tay. Trời ơi, Thuyên! Anh đã khác hẳn ngày trước, cử chỉ cởi mở tự tin, không còn cái vẻ rụt rè như cậu học sinh chờ đợi lời khen chê thuở chàng còn làm thơ. Anh hiện là nhà doanh nghiệp lớn tiếng tăm cả nước, nói chuyện tiền tỉ.

Về nhà tôi đem chuyện nầy khoe với vợ. Tôi khoái trá nói:

- Tất cả thắng lợi của anh Thuyên trên thương trường là nhờ tôi, do tôi, của tôi. Tôi đã có công lớn trong việc tống khứ cái nàng thơ chết tiệt ra khỏi cái đầu đầy tài năng kinh tế của Thuyên!

Vợ tôi mỉa mai:

- Hôm đó mà anh Thuyên quẩn trí, thất vọng, trên đường về nhà đâm vào xe thì ông có huênh hoang lên rằng nhờ ông không? !!!

Monday, October 20, 2014

Đừng để tình thương bị lụi tàn nơi bạn

Posted by Tâm Kim at 3:40 AM 0 Comments

Sau một lúc im lặng, có người thứ ba lên tiếng: "Tôi nghĩ mối quan hệ giữa hai con chuột kia cũng giống như tình nghĩa mẹ con". Những người còn lại suy nghĩ một hồi nữa, cảm thấy điều này có vẻ hợp lý hơn. Họ tỏ ý tán thành.
Tình thương không chỉ là lời nói, tình thương là hành động trong cả vô hình lẫn hữu hình. Tình thương có thể phát triển hoặc thậm chí bị phá hủy, nhưng tinh hoa của nó thì không bao giờ bị hủy diệt. Có những hành động nuôi dưỡng tình thương, nhưng cũng có những hành động làm cho tình thương bị lụi tàn và chết. Có những hành động có thể làm tình thương phát triển, nhưng cũng có những hành động lại làm tình thương cạn kiệt đi.



Một ngày kia, có một nhóm công nhân đang đập phá một căn nhà để sữa chữa lại. Họ chợt trông thấy trong góc nhà có một cái ổ chuột. Họ bèn dùng khói để đuổi mấy con chuột...trong hang. Quả thật, một lúc sau, những chú chuột chạy ra, từng con, từng con một…

Sau một lúc, mọi người nghĩ rằng chuột đã chạy ra hết rồi nên họ bắt đầu dọn dẹp. Chợt họ nhìn thấy hai con chuột nữa đang cùng nhau ra khỏi miệng hang. Sau một hồi cố gắng, cuối cùng cả hai con chuột cũng lọt ra khỏi ổ. Ðiều kỳ lạ là sau khi ra khỏi hang, hai con chuột không chạy đi liền mà lại kề cận bên nhau, dường như con này đang muốn cắn đuôi của con kia…


Thấy lạ, mọi người lại gần coi thử, thì thấy một con chuột bị mù đang cắn đuôi con còn lại bò từ từ ra khỏi hang…


Chứng kiến sự việc xảy ra, ai nấy đều xúc động, không nói nên lời…


Tới giờ ăn, nhóm công nhân ngồi quay quần bên nhau và bắt đầu bàn luận về hai con chuột ấy…


Người thứ nhất nói: "Tôi nghĩ mối quan hệ giữa hai con chuột đó cũng giống như mối quan hệ giữa bạn bè vậy". Những người còn lại suy nghĩ một hồi rồi nói: "Thì ra thế!"


Bỗng, người thứ hai lên tiếng: "Tôi nghĩ mối quan hệ giữa hai con chuột đó giống như mối quan hệ giữa vợ và chồng". Những người còn lại ngẫm nghĩ một hồi, ai thấy cũng có lý, đồng tán thành.


Sau một lúc im lặng, có người thứ ba lên tiếng: "Tôi nghĩ mối quan hệ giữa hai con chuột kia cũng giống như tình nghĩa mẹ con". Những người còn lại suy nghĩ một hồi nữa, cảm thấy điều này có vẻ hợp lý hơn. Họ tỏ ý tán thành.


Một lúc sau, có giọng nói trầm trầm vang lên: "Thưa tất cả anh em! Tại sao hai con chuột ấy lại phải có mối quan hệ với nhau cơ chứ? Mọi việc vẫn tự nhiên diễn ra trong tình thương cơ mà!"


Một không khí thinh lặng bao trùm lên từng gương mặt. Cả nhóm công nhìn về phía người kia, không ai nói một lời… Đúng vậy, tình thương vô điều kiện thật ra nó không cần một quan hệ nào cả, dù là mối quan hệ vật chất, là tình bạn hay thủy chung huyết thống…


Tình thương là điều quý giá nhất trong thế giới vật chất này. Cho nên chúng ta phải bảo vệ tình thương: Dù đó là tình yêu đôi lứa, tình thương giữa cha mẹ và con cái hay tình bằng hữu, tình thương giữa con người và con người, tình thương giữa con người và loài vật hoặc ngay cả tình thương giữa cây cỏ…


Tình thương là điều đích thực để chúng ta bảo vệ thế giới này. Bất cứ điều gì chúng ta thương yêu sẽ trổ hoa. Bất cứ điều gì thương yêu chúng ta sẽ giúp chúng ta phát triển trong hạnh phúc.


Nhưng tình thương không chỉ là lời nói, tình thương là hành động trong cả vô hình lẫn hữu hình. Tình thương có thể phát triển hoặc thậm chí bị phá hủy, nhưng tinh hoa của nó thì không bao giờ bị hủy diệt. Có những hành động nuôi dưỡng tình thương, nhưng cũng có những hành động làm cho tình thương bị lụi tàn và chết. Có những hành động có thể làm tình thương phát triển, nhưng cũng có những hành động lại làm tình thương cạn kiệt đi.


Chúng ta phải trân quý tình thương. Hãy ủng hộ tình thương bằng thân, khẩu, ý của mình! Trong bất cứ mối quan hệ nào, luôn luôn phải có sự cho và nhận. Ví dụ: Giữa một đôi vợ chồng chỉ nói “Anh yêu em” là chưa đủ. Chúng ta nên luôn luôn quan tâm để tôn trọng và giúp đỡ lẫn nhau như thuở ban đầu và thậm chí nhiều hơn mỗi ngày.

Biết những gì người bạn đời của mình thích thì cố gắng dâng tặng điều đó. Biết những gì người bạn đời của mình không thích thì cố gắng tránh đi. Ân cần, chu đáo là bí quyết cho mọi mối quan hệ tốt. Nếu có bất đồng nào, chúng ta hãy nên bàn cho đến khi cả hai tán thành hoặc thỏa hiệp. Và thật sự không khó để giữ một mối quan hệ tốt đẹp, hạnh phúc và phát triển nếu có tình thương đích thực.


Sự ích kỷ và ngã chấp là sát thủ số một của tình thương. Để rồi khi đánh mất tình thương, chúng ta khóc lóc, than oán, trách móc mọi điều, mọi người và kể cả bản thân mình. Và chúng ta có thể thậm chí tự trừng phạt mình bằng bệnh tật hoặc ngay cả tính mạng.


Nhưng khi chúng ta thương yêu trên một bình diện rộng lớn hơn thì đó lại là chuyện khác. Là tình thương của Người. Lúc đó, chúng ta hy sinh tình yêu và hạnh phúc cá nhân vì mọi người và mọi loài.


Chúng ta nên là tấm gương của tình thương, như là ban tặng, chăm sóc, sống hài hòa, tha thứ và hy sinh; để khi người khác nghĩ về chúng ta, nhớ đến chúng ta, họ sẽ cảm thấy hạnh phúc, thoải mái và thậm chí cảm thấy cao thượng. Và rồi phẩm chất tốt đẹp của họ sẽ tỏa sáng.


Chúng ta không nên là gánh nặng hoặc là nỗi thống khổ cho người khác trong thân, khẩu, ý của họ. Chúng ta phải là nguồn cảm hứng của sự cao thượng trong tình thương, nhất là nếu chúng ta đã được hướng dẫn bởi tấm gương của người khác.


Nếu chúng ta có tình thương, mọi điều tốt sẽ đến với chúng ta. Chúng ta có thể bắt đầu thương yêu ngay từ bây giờ, hôm nay và tiếp tục ngày mai, cho đến tương lai. Thương yêu bản thân mình, thương yêu gia đình, thương yêu láng giềng, thương yêu vạn vật xung quanh. Không có tình thương trong tâm thì hầu như chúng ta không có gì cả, chỉ là gánh nặng cho mình, cho người thân và xã hội.


Tình thương không phải là lời nói suông. Tình thương là cảm xúc bên trong và hành động thể hiện ra bên ngoài. Thương yêu loài vật, thì chúng ta nên ăn chay. Thương yêu địa cầu thì chúng ta sống xanh. Thương yêu thế giới thì chúng ta cứu địa cầu.

Người sẽ lắng nghe lời cầu nguyện chân thành của chúng ta, rồi chúng ta sẽ làm được tất cả…

Danh Mục

Recent Articles

about me

Name: Pig Ella
Birthday: 12/02/1992
Facebook: Tâm Kim (Ellacos)
Fanpage: Cảm Xúc Gốc
Address: Vĩnh Phúc
Email: tamkim.91@gmail.com / tamkim.smile@gmail.com

A photo on Flickr
back to top